Thùy Linh: "Gà mờ" coding chinh phục khoa học máy tính

Làm hồ sơ du học Mỹ trong một tháng, có nổi không?Theo đuổi một chuyên ngành không phải là lợi thế của mình, có nổi không?NỔI. Nổi chứ. Không những nổi, có khi bạn còn ẵm về học bổng lớn nữa. Phan Thùy Linh - cựu học sinh chuyên Toán trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh chính là minh chứng cho câu trả lời này. Bằng bài luận cá nhân đặc biệt cùng với sự thống nhất trong các thành tích học thuật và hoạt động ngoại khóa, Thùy Linh đã xuất sắc nhận được thư mời nhập học của Gettysburg College với mức học bổng và hỗ trợ tài chính trị giá $65.000/năm, một trái ngọt xứng đáng cho hành trình của cô gái cá tính và mạnh mẽ này.
YẾU CHỖ NÀO, CHIẾN CHỖ ĐÓ

Có những khoảnh khắc, con người ta sẽ cảm thấy thật yếu lòng và nản chí khi bản thân không thể theo đuổi được thứ gì đó. Nếu là bạn, bạn sẽ lựa chọn theo một con đường khác phù hợp với mình hơn hay vẫn quyết tâm phải chinh phục nó? Mỗi người, mỗi góc nhìn, và câu chuyện của cô gái ngày hôm nay cũng vậy. Hãy cùng MiYork lắng nghe góc nhìn và những thành tựu mà Thùy Linh đạt được khi lựa chọn chinh phục điểm yếu của mình nhé.Ban đầu, Thùy Linh định hướng sẽ theo đuổi một chuyên ngành hợp với thế mạnh của mình hơn, cụ thể là Digital Marketing ở trường đại học RMIT Việt Nam. Quyết định này sẽ không có gì bất ngờ với những người quen biết em bởi Linh đã có nhiều kinh nghiệm từ các hoạt động mà em tham gia (như làm CTV cho báo Mực Tím, viết bài cho các dự án cộng đồng hay nhận chứng chỉ Marketing in a Digital World từ The University of Illinois at Urbana-Champaign. Tuy nhiên, suốt nửa năm gap-year để chờ nhập học cho kì tháng 2 ở RMIT, những hoạt động em tham gia như học làm nghiêm cứu, đi làm thêm, gặp các anh chị đi trước đã giúp em mở mang suy nghĩ và phần nào khiến quyết định của em thay đổi - không chỉ về ngành học, mà còn về nơi mình sẽ gắn bó trong 4 năm đại học.
Vốn dĩ Linh đã từng là một cô bé có nỗi sợ “vô hình” về du học. “Đến một đất nước lạ lẫm, xô bồ, phải tự lập từ A-Z, xa gia đình, xa bạn bè, sống theo một nếp sống trước giờ chưa từng thử,...” - Linh từng tưởng tượng như thế về cuộc sống của một du học sinh thực thụ. Cho đến bây giờ, những điều ấy vẫn không sai, nhưng càng làm quen với nhiều người, em càng suy nghĩ: “Nếu chỉ ở một chỗ khác nghe ngóng về những điều không hay kia rồi tự giới hạn bản thân thì thật không nên. Vậy tại sao không thử bước chân tới đó và tự mình chiêm nghiệm?”
Cùng lúc đó, em lại có thêm nhiều băn khoăn về ngành học cũng như định hướng tương lai của mình. Bản thân là học sinh chuyên Toán, lại hứng thú với lĩnh vực Công Nghệ, Linh cùng một vài người bạn của em đã rủ nhau lập nhóm và tham gia các cuộc thi Hackathon. Tuy nhiên, bên cạnh những kiến thức học được, em lại có thêm nhiều suy nghĩ “bứt rứt” về bản thân. Em tiếc vì mình chỉ có thể đảm nhiệm các vị trí khác trong nhóm không yêu cầu kĩ năng lập trình do kiến thức có phần hạn hẹp về Tin học. Trong các buổi họp cùng team, em bất lực vì bản thân không thể đưa ra các góp ý thuộc lĩnh vực chuyên môn và chấp nhận lắng nghe các bạn bàn bạc bằng “thứ ngôn ngữ ở một thế giới khác”. “Anh chàng” Coding lạnh lùng kiêu ngạo là thế, cũng không nhất thiết phải theo đuổi đến cùng, nhưng em đã không lựa chọn né tránh hay buông xuôi. Ngược lại, Linh quyết định tự học coding một cách thật sự nghiêm túc.
Em còn nhớ có lần mình được yêu cầu dùng code để giải một bài toán. Lần đầu làm quen với code, tuy không cần vận dụng quá nhiều công thức Toán cao siêu, nhưng Linh đã phải dành hàng tiếng đồng hồ sửa đi sửa lại khi màn hình liên tục bị bôi đỏ với hàng loạt dòng chữ: “Error”, “Error”, “Error” mỗi khi em nhấn RUN. May mắn là, sau một hồi kiên nhẫn mò mẫm, em cũng chạy thành công. “Coding khó nhằn đó, nhưng mỗi lúc chạy thử thành công một chương trình sau hàng giờ loay hoay, em lại thấy vui vui”, Linh ngẫm lại.
Vậy là, tư tưởng lớn gặp nhau. Em tự hỏi: “Tại sao không sang Mỹ và học Computer Science?” Với tinh thần “chịu chơi”, cùng những trải nghiệm em có, Linh đã mạnh dạn bước ra khỏi con đường em đã quen đi ấy, để khám phá một con đường tuy khó đi hơn nhưng sẽ giúp em chiến thắng được điểm yếu của chính bản thân mình. Và trên con đường đó, Thùy Linh không chỉ chứng minh mình xứng đáng qua khát vọng mãnh liệt với Computer Science, mà còn qua cách em thể hiện con người cá nhân trong bộ hồ sơ.
TRĂN TRỞ VỀ HAI TỪ KHÓA “GIÁO DỤC” VÀ “BẠO LỰC”

Xuyên suốt các hoạt động ngoại khóa mà em tham gia, có lẽ 2 từ khóa nổi trội nhất mà chúng tôi chú ý đến chính là “giáo dục” và “bạo lực”. Cũng khá bất ngờ rằng, đằng sau vẻ ngoài tích cực và nụ cười tươi tắn của em lại là nỗi trăn trở và sự đồng cảm lớn đối với những nạn nhân của các tệ nạn xã hội nói chung và bạo lực nói riêng.
Ấn tượng với đơn tuyển của Vietnam Youth Alliance - dự án về vấn đề giáo dục giới tính và LGBTIQ+ cho giới trẻ Việt Nam, cô bé lớp 11 năm đó đã quyết thử sức nộp đơn vào ban Media dù khi ấy chưa có nhiều kinh nghiệm. Vào đây, nghe được những câu chuyện từ chính những con người ở trong dự án về trải nghiệm của họ liên quan đến miệt thị ngoại hình, giới tính và cả bạo lực, Linh càng cảm thấy đồng cảm với họ nhiều hơn. Từ đó em quyết định lập ra một dự án của riêng mình, đi sâu vào vấn đề xâm hại tình dục và sức khỏe tâm sinh lý cho học sinh cả nước: Voice Up Organization.
Linh chia sẻ rằng, mục đích ban đầu của em không phải là tạo ra một dự án đao to búa lớn với những con số khổng lồ, mà em hướng tới việc lan tỏa sự đồng cảm đến cộng đồng xung quanh mình trước tiên. “Thành tựu lớn nhất của Voice Up là không chỉ một vài bạn mà chính em cũng dần mở lòng với chính mình hơn, từ đó truyền tải được năng lượng tích cực cho những người xung quanh tụi em nữa”, Linh tâm sự.
“CẢM ƠN VÌ NĂNG LƯỢNG CỦA CHỊ ĐÃ GIÚP EM MẠNH MẼ HƠN”

Ở Voice Up, tuy không thể biết hết hoàn cảnh và câu chuyện của từng thành viên, nhưng Linh đã có cơ hội làm thân với một vào bạn, từ đó dùng sự chân thành của mình để giúp họ chữa lành nỗi đau tâm lý ám ảnh suốt một thời gian dài. Linh nhớ như in những lần em thức đến tận khuya để cùng bạn tâm sự những câu chuyện thầm kín, những lúc em cố gắng chia sẻ về trải nghiệm của mình và đưa ra lời khuyên, giúp các bạn mở lòng và dần dần vượt qua nỗi sợ của bản thân. Hạnh phúc hơn cả là khi em nhận được lời nhắn: “Cảm ơn vì năng lượng của chị đã giúp em mạnh mẽ hơn”.
Năm lớp 10 khi có cơ hội tham gia dạy học tình nguyện ở mái ấm cùng tổ chức Sugar Vietnam, em gặp nhiều con người, nhiều hoàn cảnh, nhiều câu chuyện khác nhau. Vài ngày đầu tiên Linh đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận một bạn nhỏ trong mái ấm vì bản thân quá nghiêm túc. Sau khi thoải mái mở lòng hơn, Linh đã dần thân được với bạn nhỏ ấy, từ đó dễ dàng động viên và tạo động lực trong việc học của em hơn. Từ con điểm 3.75 trong bài thi Tiếng Anh giữa kì, em ấy đã có sự tiến bộ vượt bậc lên điểm 8 vào cuối kì sau gần nửa năm cố gắng cùng Linh. Ngoài giờ học, 2 chị em còn rủ nhau chơi game, tâm sự và dần thân thiết hơn.Trong bài luận học bổng Eisenhower Scholarship của Gettysburg College, Linh đã được hỏi về “How do you feel your work has made a difference?” Sau khi trăn trở về những điều “đao to búa lớn” hoặc số liệu khổng lồ, Linh quyết định lựa chọn kể những câu chuyện bình dị và nhỏ bé như thế để chinh phục trái tim Ban Tuyển Sinh với sự thay đổi của chính em và những người xung quanh. Em kết bài bằng một câu: “The difference usually comes from such simple moments”. Kết quả, Linh đã xuất sắc nhận được học bổng học thuật mức cao nhất này của trường (40000 USD/năm).
KHÔNG CÓ BẢN NHÁP NÀO LÀ HOÀN HẢO, NHƯNG ÍT NHẤT, ĐÓ LÀ CÂU CHUYỆN CỦA MÌNH
Quay về hành trình nộp đơn du học Mỹ, Linh có lẽ là một trong những trường hợp bắt đầu làm hồ sơ muộn nhất trong kì tuyển sinh năm nay. Bỏ lỡ đợt ED1 và EA, cơ hội duy nhất của em hoàn toàn tùy thuộc vào kì ED2. Trước đó, em có quen một người anh và được giới thiệu làm hồ sơ qua một trung tâm với chi phí khá rẻ. Cứ tưởng mọi thứ sẽ ổn, nhưng ở phút chót em đã nhận ra sai lầm của mình khi trung tâm liên tục đưa hồ sơ của em nộp qua các trường là đối tác của họ nhưng lại không hề phù hợp với nguyện vọng của em. Cuối cùng, em quyết định nhảy ra và tự nhủ: “Phải tự cứu mình thôi”. Thời điểm đó là giữa tháng 12, em mở Common App và gấp rút làm hồ sơ trong 1 tháng cuối cùng.
Để thể hiện chân thực nhất về con người mình, Linh đã đắn đo và quyết định kể một câu chuyện mà bản thân luôn cất giấu bao lâu nay.
“Không phải gia đình hay bạn bè thân thiết, những người giúp em sửa luận mới chính là những người đầu tiên biết câu chuyện này”. Linh chia sẻ.
Em đã dũng cảm đối mặt với cảm xúc của bản thân, dám phá vỡ bức tường mà em cố gắng dựng nên để che đậy trong suốt một thời gian dài. Giống như lựa chọn đi Mỹ và theo ngành CS, lần này em cũng quyết định kể câu chuyện đó ra với suy nghĩ: “Nếu bây giờ mình không dám và không thử một lần thì sau này sẽ chẳng bao giờ mình có cơ hội làm điều đó nữa cả”. Linh viết bản nháp đầu tiên cho bài luận chính với hơn 1000 chữ. Em viết trong 3 tiếng, nhưng thời gian để đi từ một bản nháp chỉ có hệ thống các sự kiện đến bản cuối cùng với từng câu từ trau chuốt hơn và ý nghĩa sâu sắc phía sau mà em muốn truyền tải, lại tốn gần 1 tháng trời. May mắn là em vẫn có một người bạn ở bên giúp em khai thác những tình tiết đáng chú ý của câu chuyện hay gạt bỏ những chi tiết thừa, và những con người không ngại hướng dẫn em làm hồ sơ, trau chuốt ý tưởng cho bài luận mà không yêu cầu khoản phí nào.
Và sau hàng loạt bản nháp, bản chính thức cuối cùng được hoàn thành. Linh cảm nhận rõ rệt sự thay đổi bên trong mình. Sau này, khi nói chuyện với người khác về vấn đề đó, thay vì cố né tránh hay dè dặt, Linh đã mở lòng hơn, thoải mái hơn rất nhiều. Em được giải tỏa, tự thấy mình mạnh mẽ hơn và cũng trưởng thành hơn.Đôi khi, sự trưởng thành của một đứa trẻ nằm ở những khoảnh khắc không ngờ. Với Thùy Linh, khoảnh khắc đó nằm ở cú click chuột ngày mà em nhấn gửi bài luận của mình cho ngôi trường đại học mơ ước.
